(Tin tuc) - CSGT ở các chốt, trạm kiểm soát giao thông cũng biết từ chối “hụi chết” nhưng đó là khi số tiền chung… không đủ theo luật ngầm.
“Xe năm tấn mà đưa vầy là sao?”
Tài xế T. cho biết giá chung cho xe tải loại năm tấn là 600.000đồng/tháng, xe sáu tấn thì 800.000 đồng/tháng, xe tám tấn thì 1 triệu đồng/tháng cho mỗi trạm, chốt CSGT. “Chỉ những xe đã chung chi đầy đủ mới yên thân khi chạy vào địa phận Lâm Đồng. Những xe lạ, lâu lâu mới đi một chuyến, cực kỳ khó thoát bị lập biên bản vi phạm giao thông. Lý do là với xe tải, CSGT ở đây ít khi nào chịu “ăn” ngoài đường” - T. nói.
Tài xế TL cho biết nếu xe nào chung tiền không đủ sẽ bị trả lại để “bổ sung” cho đúng “luật”. “Trước đây, khi tôi mới đưa xe lên Lâm Đồng chở hàng thuê, chưa rõ giá nên “làm luật” có 300.000 đồng/tháng cho chiếc xe năm tấn. Tôi bị nhắc nhở, yêu cầu làm lại” - TL nói.
Theo chân TL đi “giao dịch” với các chốt CSGT tỉnh này, chúng tôi thấy những điều TL nói là không ngoa tí nào.
Sau bữa ăn sáng ở huyện Đức Trọng, 9 giờ ngày 11-11, chiếc xe tải của TL dừng bánh tại chốt CSGT Phú Hiệp trên địa bàn huyện Di Linh để TL vào “làm luật”. Vì quá quen với việc chung tiền trong khi đi làm phụ xe tải trước đây, TL tự tin cuộn tròn 300.000 đồng, tiến về bàn làm việc của CSGT trong chốt này. Đến nơi, TL giả lả: “Xe em mới xuống, sếp!” và tỉnh bơ đọc biển số xe. Ngồi bên trong vách kính, người CSGT mang hàm thiếu úy hỏi lại: “Xe mới xuống là sao?”. Không cần giải thích gì, TL thông báo “ám hiệu”: “Cho em gửi tháng, sếp”. Nhận “ám hiệu” quen thuộc, vị này đưa tay nhận 300.000 đồng cuộn tròn từ TL và cúi xuống ghi ghi vào cuốn sổ để trên bàn.
Liếc số tiền đang cầm trong tay, vị cảnh sát này hỏi: “Xe mấy tấn?”. “Xe năm tấn, sếp” - TL trả lời. Vừa nghe xong tải trọng xe, vị này dằn dằn ba tờ tiền xuống bàn, cao giọng: “Xe năm tấn mà đưa vầy là sao?”. Sau một cuộc điện thoại để giải quyết việc riêng, ông hỏi tiếp: “Sao đây, xe năm tấn mà đưa vầy là sao?” rồi trả 300.000 đồng lại cho TL.
“Xe năm tấn là sáu trăm”
Tương tự, tại chốt kiểm soát giao thông 320 (đèo Bảo Lộc), TL bỏ 300.000 đồng vào một cái phong bì, ghi biển số xe ở ngoài rồi tiến vào chốt thực hiện việc chung tháng. Nhận phong bì từ tay TL, một CSGT mang hàm thượng úy hỏi: “Xe mấy tấn?”. TL trả lời: “Xe năm tấn, sếp!”. Tuy nhiên, khi vị CSGT đang mở phong bì ra kiểm tra thì TL giật lại, nói: “Chết, em nhầm, để em làm lại”. Sau đó, TL chạy ra hành lang, lấy tiền bỏ vào một cái phong bì khác, đứng chờ. Lúc này, vị thượng úy CSGT nhắc: “Vô đây đi chứ đứng đó làm gì”. Được “lệnh”, TL bước vào và đưa cái phong bì khác cho vị thượng úy.
Cũng như lần trước, vị CSGT mở phong bì ra đếm và hỏi: “Xe nào?”. TL chỉ vào phong bì và nói: “Số xe đây sếp”. Nhìn số xe ghi trên phong bì, ông này hỏi: “Xe này ở đâu đây?”. “Xe em chở rau trên Đà Lạt” - TL trả lời. Sau khi biết thông tin về số xe, xe chở hàng gì, có lẽ người CSGT này muốn chắc ăn lần nữa nên lặp lại câu hỏi: “Xe mấy tấn?”. “Dạ năm tấn” - TL nói. TL vừa nói xong, vị này nhét tiền ngược vào phong bì, gằn giọng với TL: “Xe năm tấn là sáu trăm!” và trả lại phòng bì. TL nhanh tay nhận lại cái phong bì bị CSGT chê này để “bổ sung” cho đúng “luật”!
Ra xe, TL cho hay có quy luật rồi, xe năm tấn phải chung 600.000 đồng, “chung thiếu là không xong với họ đâu”. Như vậy, ý định chung cho hai chốt CSGT của TL trong buổi sáng “bất thành” vì số tiền chung tháng chưa đúng.
97.840 lượt cán bộ, chiến sĩ
CSGT không nhận hối lộ của lái xe, chủ hàng với tổng số tiền gần 2,5
tỉ đồng từ năm 2010 đến tháng 6/2012.
Năm 2005, lực lượng CSGT đã
thực hiện đề án phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong tuần tra kiểm soát
giao thông (Đề án 1323). Nội dung chủ yếu của đề án này là xây dựng
tinh thần phục vụ, quan điểm, thái độ của CSGT. Đặc biệt, đề án đề cập
đến “ba chống” trong lực lượng CSGT, đó là: chống nhận mãi lộ, chống
bao che, dung túng, bảo kê cho các chủ phương tiện và người vi phạm;
chống hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu với nhân dân; chống vô ý thức kỷ
luật, vi phạm quy chế, quy trình công tác, lối sống buông thả thực
dụng, tác phong không đúng mực và lười nghiên cứu học tập, nâng cao
trình độ. Từ khi thực hiện đề án, lực lượng đã xử lý kỷ luật 620 cán
bộ, chiến sĩ có sai phạm tiêu cực; trong đó tước danh hiệu công an nhân
dân 44 trường hợp; cách chức, giáng chức 25 trường hợp. Kiểm điểm, phê
bình, cắt thi đua 223 trường hợp.
|
Theo Võ Tùng - Duy Đông (Pháp Luật TPHCM)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét