Kết quả, học sinh này đã nhận điểm 0 và lời phê “Cần xem lại đạo đức bản thân” của giáo viên.
Đã có quá nhiều các cuộc hội thảo, hội nghị, phỏng vấn… về vấn đề nói tục, chửi bậy của học sinh, thế nhưng, vấn nạn này không những không giảm mà còn nghiêm trọng hơn. Một phần nguyên nhân của vấn nạn này là do thói giả dối trong nhà trường mang lại.
Văng tục từ ngoài đời đến … văn bản
Với đề bài, “Em hãy trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng nói tục chửi bậy trong học đường hiện nay”, một học sinh lớp 12 tên là Vũ Hoàng Long đã có một bài văn khiến nhiều người phải giật mình, choáng váng vì độ “hồn nhiên” và… thô thiển trong cách diễn đạt. Trong từng câu văn, học sinh này đã sử dụng khá nhiều những tiếng lóng thô tục đang rất “thịnh hành” trong giới trẻ.
Bài văn mở đầu bằng cách tự đặt ra cuộc vấn – đáp: “Nhắc đến vấn đề nói tục chửi bậy thì nó là một trò bình thường vãi. Mục đích của nó là gì? Ý nghĩa của nó là chi? Để mọi người có thể mắng nhiếc ư? Không! Thế thì bạn bè đã đ… chửi nhau. Sao? Đấy chỉ là một số thằng à? CCC. Đ…ai mà chả nói tục chửi bậy”.
Bài văn "văng tục" của học sinh Vũ Hoàng Long.
Sau đó, học sinh này cũng rất ngang nhiên thừa nhận: “Mình cũng hay nói bậy lắm”. Và có lẽ để minh chứng cho việc “ai mà chẳng nói tục chửi bậy”, bạn học sinh này đã dẫn ra những cuộc hội thoại thường ngày nói với bạn bè, hoặc tưởng tượng ra tình huống chia tay của một đôi nam nữ…
“ME: Ê ku, mày đang làm clgt?
FRI: Đm, bố làm gì kệ cm bố.”
Hoặc “GF: Anh ơi, chúng mình không hợp nhau đâu. Làm bạn nhé!
ME: Mother of không hợp. Lộn cái bàn”.
Cuối cùng, nam sinh này kết luận: “Trường hợp nào chúng ta cũng có thể nói bậy. Cơ bản là vì nó ăn sâu vào máu rồi, người nào mà chẳng chửi…”.
Tuy bài văn của nam sinh Hoàng Long này chỉ được chụp lại trang đầu tiên, nhưng có thể thấy những từ tục trong bài văn này được Long sử dụng khá nhiều cùng những lời lẽ tự do, thoải mái. Vì thế, bài văn đã nhận điểm 0 cùng lời phê: “Cần xem lại đạo đức bản thân” của giáo viên.
Thêm vào đó, lời lẽ, cách diễn đạt, cách dùng từ trong bài văn được rất nhiều teen nhận xét là khá giống với cách nói chuyện của Jvevermind - chàng Vloger đang gây bão với các Vlog nói về các vấn đề nóng của giới trẻ.
Về vấn đề này, TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình cũng khẳng định, nhà trường phải là trung tâm điểm để giáo dục nhân cách cho trẻ. Nhưng hiện nay "bệnh" giả dối của xã hội và nhà trường rất nhiều. Giữa lời nói và việc làm nó không ăn nhập với nhau. Giáo lí của người ta không có nội dung đích thực.
Trong gia đình, nhiều bậc phụ huynh “chửi bậy như hát hay”, điều này đã tiêm nhiễm vào chính con trẻ và tạo cho chúng suy nghĩ chửi bậy hay văng tục là chuyện rất bình thường. Khi đã trở thành điều bình thường, thì chúng sẽ không coi trọng và sẽ tự làm mất giá trị bản thân.
Cũng như vậy, trong nhà trường, giáo viên đứng trên bục giảng nói những điều hay lẽ phải, thế nhưng lại có lối sống, cách làm việc không chuẩn mực.
Nhiều giáo viên trù dập học sinh, ép buộc học thêm hoặc thậm chí là ăn tiền của phụ huynh để nâng đỡ con cái họ. Điều này đã dẫn tới tình trạng học sinh không tôn trọng thầy cô giáo, rồi cô giáo đánh chửi học sinh xảy ra không phải là ít.
Nếu như người lớn còn mãi dối trá thì làm sao con trẻ ngoan lên được? Và cũng không thể đòi hỏi con trẻ phải ăn nói chuẩn mực trong khi ông bà, cha mẹ hay giáo viên của chúng vẫn thản nhiên văng tục, chửi bậy. Vì vậy, người lớn cần phải hoàn thiện bản thân và trở thành tấm gương cho con trẻ noi theo. Thêm vào đó, các bậc phụ huynh và giáo viên cũng cần phải nghiêm khắc giáo dục con trẻ ngay từ trong gia đình, nhà trường.
Có lẽ, chính sự thiếu nghiêm túc trong giáo dục tại mỗi gia đình, nhà trường đã khiến học sinh coi thường những nguyên tắc đạo đức cơ bản và “sáng tạo” ra những ngôn ngữ thô tục để giao tiếp với nhau.
Buông lỏng ngôn ngữ - buông lỏng hành vi
Hiện tượng nói tục, chửi bậy đang ngày càng tràn lan trong giới trẻ. Những câu nói vô cùng phản cảm được thốt ra một cách vô tư từ các bạn trẻ là hiện tượng không còn xa lạ, thậm chí trở nên phổ biến. Tại các cổng trường, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh học sinh túm năm, tụm bảy nói chuyện rôm rả bằng những ngôn từ tục tĩu.
Nói tục, chửi bậy gần như đã trở thành “mốt” thời thượng của một bộ phận giới trẻ ngày nay. Không chỉ “thô thiển” trong cách nói chuyện với nhau, nhiều bạn trẻ còn ngang nhiên sử dụng facebook để chửi cả người thân.
Vào tháng 6/2012, một cô bé có nickname Quỳnh Anh, ở khu vực gần Kim Mã, Hà Nội đã làm cộng đồng sửng sốt khi lên mạng xã hội chửi bà ngoại của mình bằng những câu rất tục tĩu. Cô cháu gái này xưng "tao", gọi bà ngoại và bố mẹ của mình là "chúng mày", cùng với những ngôn từ vô cùng bậy bạ.
Từ nói tục, chửi bậy sẽ dẫn tới bạo lực học đường.
Các trang mạng xã hội "đo" vấn đề được quan tâm của chủ nhân bằng các like hay unlike (thích hay không thích) và các comment (phản hồi); vì vậy, rất nhiều người trẻ cho rằng: Được càng nhiều comment hay like là chứng tỏ sự "thu hút" của mình trước một cộng đồng lớn (dù cộng đồng đó là ảo).
Vì vậy, không sự thể hiện nào nhanh hơn là lôi những câu chửi bậy lên dòng "trạng thái" của mình để gây sự chú ý. Và với văn hóa comment kiểu a dua, thiếu xây dựng, không mang tính đóng góp… như phần lớn thói quen comment của người trẻ Việt hiện nay thì chủ nhân của những lời lẽ bậy bạ kia mãi mãi không biết đến cái sai và sự lố bịch của mình.
Theo GS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, việc học sinh văn tục, chửi bậy đã trở thành “vấn nạn của toàn xã hội”. Theo ông: “Nếu chúng ta cứ thả lỏng thế hệ trẻ thì đó lại là một hình ảnh xấu, không đẹp đẽ gì. Từ buông lỏng về mặt ngôn ngữ sẽ có buông lỏng về hành vi khác, cái đó chúng ta phải ngăn chặn, mục đích của điều đó làm cho chất lượng cuộc sống của thế hệ trẻ được tốt hơn.
Trước những hiện tượng học sinh văng tục, chửi bậy, chúng tôi là những nhà giáo dục thấy rất đau xót vì chưa làm được nhiều cho thế hệ trẻ, cho các em nhận thức được những thiếu xót đó”.
Thời gian qua đã xuất hiện khá nhiều những bài văn lạ của học sinh với nội dung sâu sắc, ý nghĩa, khiến người đọc xúc động, nhưng cũng không ít những bài văn với những lời lẽ thô tục như trên khiến những người quan tâm tới nền giáo dục phải giật mình. Những bài văn như trên là báo động sự xuống cấp đáng thất vọng về nhận thức và đạo đức của một bộ phận học sinh hiện nay.
Theo Nhã Anh
PetroTimes
0 nhận xét:
Đăng nhận xét